1. Giới thiệu
Năng lực đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đổi mới sáng tạo là xu thế bắt buộc của các doanh nghiệp và trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển thì việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng.
Kể từ năm 1997 tái lập Tỉnh đến nay đã hơn 20 năm, từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay Quảng Nam đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho trung ương. Quy mô kinh tế của Tỉnh tăng hơn 30 lần, trong đó, công nghiệp-dịch vụ chiếm hơn 88% trong cơ cấu kinh tế với giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần so với năm đầu tái lập (1997)1. Nhiều khu công nghiêp, cụm công nghiệp lớn được xây dựng như khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Ðiện Nam – Ðiện Ngọc…Với mục tiêu Quảng Nam phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Quảng Nam cần ban hành các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách khởi nghiệp, kết nối chặt chẽ hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp…Bài viết này nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam trong một số ngành điển hình như vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp chế biến, cơ khí qua đó có những khuyến nghị cần thiết dựa trên ảnh hưởng của các nhân tố để tỉnh có những điều chỉnh trong chính sách nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh.
3. Cơ sở lý thuyết
- Năng lực đổi mới sáng tạo
- Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Tham khảo tại đây: Năng lực đỗi mới là gì? Năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
-
Phương pháp nghiên cứu
Để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, tác giả đã tiến hành khảo sát 244 doanh nghiệp trong các lĩnh vực cơ khí, công nghiệp chế biến, dệt may, vật liệu xây dựng (VLXD). Đối tượng khảo sát là các nhà quản lý và cán bộ phụ trách nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong đó, cơ cấu phiếu cho các ngành được phân bổ như sau: dệt may (30%), cơ khí (30%), công nghiệp chế biến (20%), vật liệu xây dựng (20%). Trong số các doanh nghiệp được hỏi, đa số là doanh nghiệp tư nhân (90%), còn lại là doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp FDI. Đặc thù của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với quy mô lao động dao động trong khoảng từ 10 đến 100 lao động. Việc lựa chọn các ngành công nghiệp để thực hiện khảo sát năng lực đổi mới sáng tạo dựa trên tầm quan trọng và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp của Quảng Nam. Theo đó, 04 ngành là cơ khí, công nghiệp chế biến, dệt may, vật liệu xây dựng được xác định là những ngành công nghiệp mũi nhọn trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phương pháp khảo sát được lựa chọn là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Bảng hỏi được thiết kế dựa trên mô hình nghiên cứu 1 ở trên, nội dung bảng hỏi hướng vào mục tiêu đánh giá thực trạng năng lực đổi mới sáng tạo và thực trạng các nhân tố tác động đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp (trong đó đi sâu vào các nhân tố như: nhân tố lãnh đạo, nhân tố văn hóa, nhân tố quản lý, nhân tố chính sách, nhân tố nguồn nhân lực sáng tạo, nhân tố hợp tác, nhân tố tri thức, nhân tố tài chính). Các câu hỏi về năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thiết kế theo thang đo 5 mức độ (5 Likert scale) từ 1 đến 5, trong đó 1 – Hoàn toàn không đồng ý, 2 – Không đồng ý, 3 – Trung lập, 4 – Đồng ý, 5 – Hoàn toàn đồng ý. Các yếu tố tác động là biến độc lập, kết quả đổi mới sáng tạo là biến phụ thuộc.
Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật phân tích đa nhân tố (EFA) để xác định các nhân tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam trong 4 ngành được chọn. Kỹ thuật phân tích hồi quy được áp dụng cho mô hình nhân quả, trong đó các nhân tố năng lực đổi mới sáng tạo tác động đến từng loại kết quả đổi mới sáng tạo. Phần mềm SPSS 22 được sử dụng để xử lý các số liệu trong bảng hỏi đã thu thập được từ khảo sát thực tế doanh nghiệp.
-
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kết quả khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam trong 04 ngành: vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp chế biến và cơ khí cho thấy nhân tố lãnh đạo được đánh giá có ảnh hưởng nhiều nhất đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng và ngành cơ khí, trong khi đó nhân tố hợp tác có ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến và nhân tố nguồn nhân lực sáng tạo có ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp ngành dệt may.
Thông qua phân tích hồi quy tuyến tính, nghiên cứu xác định được ảnh hưởng của từng nhân tố đến từng loại hình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp với mức độ khác nhau. Trước khi thực hiện hồi quy tuyến tính, phân tích nhân tố khám phá (EFA) được thực hiện với việc sử dụng phương pháp principle component cùng phép xoay Varimax. Sau vài lần chạy EFA, kết quả chạy EFA cuối cùng cho 4 ngành rút trích được 8 nhân tố (biến độc lập). Chi tiết về 8 nhân tố kèm câu hỏi tương ứng được trình bày trong bảng 2. Các hệ số tải đều lớn hơn 0.5, các câu hỏi có mối tương quan đạt yêu cầu với nhân tố mà chúng đo lường và có thể sử dụng để phân tích.
Bảng 1: Giá trị trung bình của các biến trong mô hình theo ngành
Nhân tố | Ngành | VLXD
Trung bình |
Dệt may
Trung bình |
CN chế biến
Trung bình |
Cơ khí
Trung bình |
Nhân tố lãnh đạo | 3,98 | 3,92 | 3,76 | 3,93 | |
Nhân tố văn hóa | 2,83 | 3,75 | 2,31 | 3,77 | |
Nhân tố quản lý | 3,87 | 3,18 | 3,71 | 3,43 | |
Nhân tố tri thức | 3,29 | 3,57 | 3,46 | 3,27 | |
Nhân tố hợp tác | 3,46 | 2,22 | 3,98 | 3,55 | |
Nhân tố nguồn nhân lực sáng tạo | 3,13 | 3,99 | 3,94 | 3,75 | |
Nhân tố chính sách | 2,51 | 2,87 | 3,00 | 3,37 | |
Nhân tố tài chính | 3,74 | 2,84 | 2,83 | 3,60 |
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu khảo sát doanh nghiệp (2019).
Chú thích: *** p =< 0.01 ; ** p =< 0.05; * p =< 0.1
Nguồn: Tổng hợp phân tích hồi quy dữ liệu khảo sát bằng phần mềm SPSS.
Phân tích hồi quy nhằm tìm hiểu về ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến năng lực đổi mới sáng tạo đến kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng. Cụ thể, các nhân tố tác động đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp gồm 8 nhóm nhân tố (biến độc lập): Nhân tố lãnh đạo; Nhân tố văn hóa; Nhân tố quản lý; Nhân tố tri thức; Nhân tố hợp tác; Nhân tố nguồn nhân lực sáng tạo; Nhân tố chính sách; Nhân tố tài chính. Biến phụ thuộc là kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp gồm 4 nhóm: Đổi mới sản phẩm; Đổi mới quy trình sản xuất; Đổi mới marketing và tìm kiếm thị trường; Đổi mới tổ chức.
Qua phân tích hồi quy tuyến tính có thể thấy, mỗi nhân tố lại tác động khác nhau đến các loại hình đổi mới của doanh nghiệp.
Đối với ngành vật liệu xây dựng, Đổi mới sản phẩm chịu tác động mạnh nhất của nhân tố lãnh đạo với hệ số là 0.758, với mức ý nghĩa cao (p =< 0.01). Điều này là phù hợp với thực trạng đổi mới sáng tạo hiện nay ở các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, Việc đa dạng hóa sản phẩm cũng như tìm kiếm những chủng loại sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường luôn được lãnh đạo các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng quan tâm, chú trọng. Đổi mới quy trình sản xuất lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi nhân tố nguồn nhân lực sáng tạo với hệ số 0.959, mức ý nghĩa cao (p=<0.01), điều đó cho thấy về cơ bản các lao động trong ngành vật liệu xây dựng hoàn toàn có đủ khả năng tiếp thu, sản xuất theo công nghệ. Tuy nhiên, hạn chế trong đổi mới về mặt quy trình chính là yếu tố tri thức (hệ số ảnh hưởng âm -0.052), tức là việc cập nhật, lựa chọn các công nghệ phù hợp thực tiễn cũng như mức độ sẵn sàng tiếp nhận các công nghệ mới của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng của Tỉnh vẫn còn hạn chế. Đó là lý do khi triển khai bất kỳ công nghệ quy trình sản xuất mới nào (ví dụ công nghệ gạch không nung) các doanh nghiệp vẫn còn e dè và chưa sẵn sàng áp dụng. Đổi mới marketing và tìm kiếm thị trường chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi nhân tố văn hóa với hệ số 0.906 và mức ý nghĩa cao (p=< 0.01). Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của Tỉnh chủ yếu hướng tới những thị trường có nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm tương tự của Tỉnh là chính, việc quảng bá, marketing sản phẩm cũng chủ yếu theo thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người dân mà chưa sẵn sàng tiếp cận với những thị trường mới với thị hiếu tiêu dùng mới. Đổi mới tổ chức chịu tác động mạnh nhất từ nhân tố tri thức với hệ số 0.997, hệ số ý nghĩa cao (p=< 0.01).
Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng của Tỉnh trong thời gian qua đã không ngừng thay đổi cách thức tổ chức, bồi dưỡng nâng cao tri thức khoa học công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi phương thức tổ chức thành công để hướng đến việc nâng cao khả năng sáng tạo cho doanh nghiệp.
Đối với ngành dệt may, Đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố nhưng nhân tố lãnh đạo là ảnh hưởng lớn nhất với hệ số là 0.805, với mức ý nghĩa cao (p =< 0.01). Điều này là phù hợp với thực trạng đổi mới sáng tạo hiện nay ở các doanh nghiệp ngành dệt may của Tỉnh, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng như tìm kiếm những chủng loại sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường luôn được lãnh đạo các doanh nghiệp ngành dệt may quan tâm, chú trọng. Thực tế trong lĩnh vực dệt may, để có thể phát triển sản phẩm phụ thuộc rất lớn đến sự năng động của các chủ cơ sở dệt may, nguồn nhân lực có sức sáng tạo lớn và một văn hóa công ty hội nhập. Đổi mới quy trình sản xuất chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nhân tố hợp tác với hệ số 0.173, mức ý nghĩa cao (p=<0.01). Điều đó cho thấy trong ngành dệt may, để có thể thực hiện đổi mới quy trình sản xuất cần có sự hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là các đối tác, bạn hàng, các nhà đầu tư để thực hiện chuyển giao công nghệ. Việc đầu tư nguồn lực tài chính lớn cho việc đổi mới công nghệ, thiết bị quy trình sản xuất cũng như việc thực hiện quản lý, vận hành hấp thụ công nghệ là những yếu tố then chốt quyết định thành công của việc đổi mới quy trình sản xuất hiện nay trong các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Tỉnh. Đổi mới marketing và tìm kiếm thị trường, đây là khâu được các doanh nghiệp dệt may đánh giá cao trong 4 khâu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nhân tố tri thức là tác động mạnh nhất với hệ số 0.721 và mức ý nghĩa cao (p=< 0.01). Thực tế hiện nay cho thấy, để thực sự tạo ra đổi mới trong marketing và tìm kiếm thị trường, bản thân các doanh nghiệp dệt may phải không ngừng sáng tạo, ứng dụng tri thức mới trong cả sản xuất và cách thức phân phối sản phẩm, từng bước chuyển từ gia công, bắt chước và dựa vào công nghệ của nước ngoài đến việc làm chủ công nghệ, làm chủ tri thức trong các doanh nghiệp. Đổi mới tổ chức của doanh nghiệp dệt may chịu ảnh hưởng lớn nhất là nhân tố quản lý (hệ số 0.647) với hệ số ý nghĩa cao (p=< 0.01).
Thực tế Đổi mới tổ chức thực hiện thành công được thì yếu tố quản lý là rất quan trọng, cùng với yếu tố chính sách và tài chính. Các doanh nghiệp dệt may của Tỉnh trong thời gian qua đã không ngừng thay đổi cách thức tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi phương thức tổ chức thành công để hướng đến việc nâng cao khả năng sáng tạo cho doanh nghiệp, từ cách thức quản lý doanh nghiệp, người lao động đến việc rà soát, áp dụng các chính sách, chế độ tạo động lực cho người lao động đều được các doanh nghiệp chú trọng.
Đối với ngành công nghiệp chế biến, Đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất là nhân tố văn hóa với hệ số là 0.875, với mức ý nghĩa cao (p =< 0.01). Điều này là phù hợp với thực trạng đổi mới sáng tạo hiện nay ở các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng như phát triển những chủng loại sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường chỉ có thể thực hiện được khi công nhân được trao quyền sáng tạo, môi trường làm việc cởi mở, dân chủ sẽ kích thích nhiều ý tưởng đổi mới. Đổi mới quy trình sản xuất chịu tác động của nhân tố tài chính là mạnh nhất (hệ số 0.779) với mức ý nghĩa (p=<0.01). Điều này phù hợp với một thực tế là hiện nay vướng mắc nhiều nhất của các doanh nghiệp chế biến trong việc đổi mới quy trình sản xuất chính là thiếu vốn. Kết quả khảo sát chỉ ra yếu tố tài chính quyết định đến hơn 77% việc đổi mới quy trình sản xuất do các công nghệ sản xuất trong ngành chế biến đều có giá thành rất cao. Đổi mới marketing và tìm kiếm thị trường, đây là khâu được các doanh nghiệp đánh giá là đổi mới mạnh mẽ nhất trong 4 khâu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và kết quả khảo sát cũng cho thấy có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến khâu này nhất của các doanh nghiệp chế biến. Trong đó, nhân tố tri thức là tác động mạnh nhất (hệ số 0.591) và mức ý nghĩa cao (p=< 0.01). Thực tế trong những năm qua, việc đổi mới marketing và tìm kiếm thị trường dựa nhiều vào việc các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, cập nhật tri thức mới là cơ sở quan trọng cho việc thay đổi cách thức markeing và bán hàng cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đổi mới tổ chức chịu ảnh hưởng của nhân tố chính sách là lớn nhất (hệ số 0.757) với hệ số ý nghĩa cao (p=< 0.01).
Thực tế, để thực hiện được đổi mới về tổ chức, cần có một chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho đổi mới. Khi đã có cơ chế, chính sách phù hợp kết hợp cùng với tri thức khoa học, nguồn nhân lực sáng tạo, cùng hợp tác chia sẻ khoa học sẽ là cơ sở rất quan trọng để các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo.
Đối với ngành cơ khí, đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh nhất của nhân tố lãnh đạo với hệ số là 0.955, với mức ý nghĩa cao (p =< 0.01). Điều này là phù hợp với thực trạng đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo hiện nay tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng. Việc đa dạng hóa sản phẩm và sản xuất sản phẩm mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường được lãnh đạo các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo luôn quan tâm tìm kiếm các biện pháp thực hiện. Từ những sản phẩm cơ khí chế tạo giản đơn, sử dụng công nghệ thô sơ, sản phẩm cơ khí chế tạo của các doanh nghiệp Quảng Nam hiện nay đa dạng hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, một số địa phương khác trong nước và có thể xuất khẩu. Đổi mới quy trình sản xuất, nhân tố chính sách có ảnh hưởng lớn nhất (hệ số 0.783) với mức ý nghĩa (p=<0.01), điều đó cho thấy chính sách của Nhà nước và của Tỉnh có sự chi phối đáng kể đến sự thay đổi quy trình sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo Quảng Nam. Đổi mới marketing và tìm kiếm thị trường chịu tác động của nhân tố văn hóa là lớn nhất (hệ số 0.796) và mức ý nghĩa cao (p=< 0.01). Thực tế các doanh nghiệp cơ khí của Tỉnh đã không ngừng thay đổi cách thức marketing và tiếp cận các thị trường, không chỉ là thị trường trong Tỉnh mà còn xuất khẩu sang các thị trường lận cận và nước ngoài. Việc chia sẻ các hoạt động sáng tạo, sẵn sàng phối hợp và tham gia với các doanh nghiệp cơ khí khác đã giúp ngành cơ khí của Tỉnh phát triển và trở thành mũi nhọn trong sản xuất công nghiệp trong những năm qua. Đổi mới tổ chức của doanh nghiệp ngành cơ khí, chịu ảnh hưởng nhiều từ nhân tố quản lý (hệ số 0.976) với hệ số ý nghĩa cao (p=< 0.01).
Doanh nghiệp cơ khí chế tạo Quảng Nam đã có sự quan tâm và đầu tư thực hiện đổi mới tổ chức trong nhiều khâu về bộ máy, bố trí nhân sự, … tạo điều kiện cho công cuộc đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp được phát huy và nhằm hướng đến sự phát triển thành công hơn trong thời gian tới.
4. Kết luận và khuyến nghị chính sách
Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp của Tỉnh Quảng Nam như: nhân tố lãnh đạo, nhân tố văn hóa, nhân tố quản lý, nhân tố tri thức, nhân tố hợp tác, nhân tố nguồn nhân lực sáng tạo, nhân tố chính sách, nhân tố tài chính, tùy đặc thù từng ngành mà mức độ tác động của các nhân tố mạnh/yếu khác nhau. Điều đó hàm ý rằng khi xây dựng chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong từng ngành, cần có sự xem xét, đánh giá từng yếu tố để chính sách được xây dựng phù hợp và sát với thực tiễn phát triển của từng ngành.
Đối với đặc thù ngành vật liệu xây dựng, nhân tố lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là vai trò của các chủ doanh nghiệp là rất quan trọng, do
đó Tỉnh cần có những hỗ trợ về năng cao năng lực quản lý, học tập các phương pháp quản lý hiện đại thông qua các buổi chia sẻ, nói chuyện của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra, để tăng tính liên kết và hỗ trợ nhau của các doanh nghiệp trong ngành, cần thành lập hiệp hội các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh tương đối đông (hơn 100 doanh nghiệp), do vậy để thực sự tạo mối liên kết trao đổi trong sản xuất cũng như phát triển mạng lưới thị trường nên có Hiệp hội riêng cho các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng. Ngoài ra, do đặc thù ngành sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên có thể ảnh hưởng đến môi trường, có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà máy, cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh tăng cường nghiên cứu công nghệ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, quản lý kỹ thuật, tuân thủ hợp quy, hợp chuẩn vật liệu xây dựng trước khi kinh doanh, vận chuyển, sử dụng theo quy định.
Đối với ngành dệt may, các nhân tố lãnh đạo, nhân tố hợp tác, nhân tố tri thức, nhân tố văn hóa có ảnh hưởng lớn đến năng lực đổi mới sáng tạo, do vậy cần có những chính sách hướng vào những nhân tố này để tiếp tục khai thác ảnh hưởng tích cực của nó. Cụ thể, trong thời gian tới, Tỉnh cần có những chính sách quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may. Đẩy mạnh chuỗi liên kết, hợp tác cũng tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Tỉnh trong chuỗi giá trị dệt may. Cần khuyến khích các cơ sở dệt may đầu tư đổi mới trang thiết bị, áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm tiết kiệm điện năng và thực hiện sản xuất sạch hơn. Với quan điểm phát triển ngành dệt may của Tỉnh là tiếp tục hoàn thiện công nghệ xử lý ô nhiễm. Những nhà máy dệt may mới được đầu tư cần đưa tiêu chí về trình độ công nghệ và bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt may của Tỉnh hiện nay cần có sự tính toán và điều chỉnh hợp lý, tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước trên địa bàn Tỉnh.
Đối với ngành công nghiệp chế biến, nhân tố văn hóa, nhân tố tài chính, nhân tố tri thức, nhân tố chính sách có ảnh hưởng lớn đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, điều đó cho thấy đối với ngành công nghiệp chế biến thì chính sách đầu tư tài chính, hỗ trợ của Tỉnh là rất quan trọng. Đặc biệt, hiện nay xu thế trong công nghiệp chế biến là chuyển dịch từ sản phẩm thô và sơ chế sang các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, nhất là sản phẩm chế biến sâu mới tạo được chỗ đứng trên thị trường, tức là doanh nghiệp phải chuyển từ lợi thế so sánh sang lợi thế cạnh tranh. Do đó, cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà máy mới đi thẳng vào sử dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường thế giới, đồng thời tăng thêm công suất chế biến và tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến. Để mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hiệp hội quốc tế theo ngành hàng, chỉ cần kết hợp trung ương tổ chức các hội chợ, triển lãm các mặt hàng trong nước và ngoài nước. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài để liên doanh liên kết, hợp tác gia công…và có cơ hội tham khảo, học hỏi về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm.
Đối với ngành cơ khí, nhân tố lãnh đạo, nhân tố văn hóa, nhân tố quản lý, nhân tố chính sách có ảnh hưởng lớn đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cơ khí cần chủ động khai thác mạnh mẽ hơn nữa yếu tố văn hóa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn kết hơn giữa con người với con người, giữa các phòng ban với nhau để hoạt động đổi mới đi đúng hướng và có hiệu quả nhanh, mạnh nhất, khuyến khích những sáng tạo mới, xây dựng một văn hóa linh hoạt thích ứng với những thay đổi của thị trường. Các doanh nghiệp cần quan tâm và chủ động hơn trong việc liên hệ hợp tác với các hiệp hội như hiệp hội doanh nghiệp của Tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác còn giúp kiến tạo nên một hệ thống đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp và nâng cao năng lực toàn hệ thống doanh nghiệp trong Tỉnh.
NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN NĂNG LỰC ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NAM
Đặng Thu Hương – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Nghiên cứu cho thấy các nhân tố như nhân tố lãnh đạo, nhân tố văn hóa, nhân tố quản lý, nhân tố chính sách, nhân tố nguồn nhân lực sáng tạo, nhân tố hợp tác, nhân tố tri thức, nhân tố tài chính có ảnh hưởng khác nhau đến các loại hình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp như đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới marketing và tìm kiếm thị trường, đổi mới tổ chức. Qua đó việc khuyến nghị chính sách để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cũng được xây dựng dựa trên tác động của các nhân tố đến từng loại hình đổi mới của doanh nghiệp.
Latest posts
Thi Công chức Thuế – Tài liệu ôn tập môn thuế chuyên ngành vòng 2
20 Bài đề Mẫu – Tiếng Anh Ôn Công Chức Thuế – Tiếng Anh Thầy Cucku
Các nhân tố ảnh hưởng tới mức học phí giáo dục _ wsv.2021
Các yếu tố ảnh hưởng quyết định lựa chọn dịch vụ chăm sóc sau sinh
Nghiên cứu Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của nông dân_ wsv 2021
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa _ 2021