1. Chính sách dự trữ quốc gia và hệ thống logisics hiện nay.
Đặt vấn đề
Trong lịch sử dân tộc, dự trữ quốc gia luôn được đặc biệt chú trọng ở Việt Nam. Theo Điều 3, Luật Dự trữ Quốc gia 2013, dự trữ quốc gia được Nhà nước hình thành và sử dụng nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Đây là những vật tư, thiết bị, hàng hóa do Nhà nước quản lý, nắm giữ. Trong nền kinh tế thị trường, dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia là một trong những công cụ quan trọng giúp cho Chính phủ can thiệp vào thị trường khi cần thiết (Nguyên Thủ tướng Chính Phủ Phan Văn Khải, 1996). Từ năm 2013, khi Luật Dự trữ quốc gia có hiệu lực thi hành, đến nay, sau 07 năm triển khai Luật Dự trữ quốc gia, vật tư hàng hóa dự trữ quốc gia đáp ứng cơ bản để xuất cấp hàng dự trữ quốc gia ứng cứu thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và dịch bệnh…
Thực tế những năm qua, dự trữ vật tư Nhà nước trước đây, nay là dự trữ quốc gia đã có nhiều đóng góp mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng, đã đáp ứng kịp thời và có hiệu quả các nhu cầu của nền kinh tế quốc dân thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc cũng như trong phòng chống, ứng cứu thiên tai, dịch bệnh hiện nay.
Hàng hóa được lưu dữ cho dù dưới dạng dữ trữ hàng hóa hay dữ trữ quốc gia đều là những đối tượng, nội dung quan trọng trong quản lý logistics của nền kinh tế quốc dân. Dự trữ có chức năng bảo đảm cho quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông và sự vận động thị trường diễn ra bình thường nhằm đáp ứng mọi nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng một cách kịp thời, đầy đủ và đồng bộ trong mọi tình huống. Trong các công trình nghiên cứu về thương mại và logistics của các cán bộ nghiên cứu và giáo viên Khoa Thương mại, nay là Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã đề cập đến các vấn đề dự trữ hàng hóa nói chung và dự trữ quốc gia nói riêng. Nhiều vấn đề đã được nghiên cứu như chức năng, cơ cấu dự trữ, xu hướng vận động dự trữ, đặc biệt là sứ mệnh dự trữ quốc gia trong nền kinh tế thị trường… và những vấn đề này tiếp tục được nghiên cứu trong bối cảnh mới của nền kinh tế với nhiều biến động khôn lường do biến đổi khí hậu và thiên tai dịch bệnh như đại dịch Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp…Điển hình là trong các ấn phẩm: Đặng Đình Đào (1993), Đặng Đình Đào & cộng sự (2016) hay Đặng Đình Đào & Hoàng Đức Thân (2012,2019).
Là dạng đặc biệt của dự trữ hàng hóa (Đặng Đình Đào,1993), dự trữ quốc gia buộc phải tính đến những sản phẩm, hàng hóa quan trọng có ý nghĩa thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và luôn được đổi mới và bổ sung theo yêu cầu của sự phát triển. Trong bối cảnh mới, có nhiều biến động về thiên tai, dịch bệnh do biến đổi khí hậu và nhiều dịch bệnh trên thế giới, dự trữ quốc gia càng cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn, phải được quản lý thống nhất, hiệu quả theo quy định của pháp luật với hệ thống kho bảo quản riêng, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo rằng lực lượng dự trữ này luôn sẵn sàng trong mọi tình huống khi Chính phủ cần.
Thành tựu của gần 35 năm đổi mới làm cho thế và lực của nước ta được nâng lên nhiều, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện…Đây là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam tăng cường mọi mặt về hoạt động dự trữ quốc gia nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, đại dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi .., hạn hán và xâm nhập mặn…, đòi hỏi hoạt động dự trữ quốc gia từ các vấn đề quản lý, phân công, danh mục hàng dự trữ, tổng mức dự trữ hiện vật và giá trị, sự phối hợp giữa các bộ ngành trong quản lý sử dụng hàng dự trữ trong những tình huống cần thiết …đến các hoạt động điều hành dự trữ quốc gia…cần được rà soát, đánh giá toàn diện và hoàn thiện để “dự trữ quốc gia luôn là một công cụ của Đảng và Nhà nước can thiệp vào thị trường khi cần thiết” (Nguyên Thủ tướng Chính Phủ Phan Văn Khải,1996)
Nghiên cứu này của chúng tôi bắt đầu bằng khung khổ đánh giá tình hình và thực thi chính sách dự trữ quốc gia hiện nay ở nước ta và những tác động trong bối cảnh mới để từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm đổi mới dự trữ quốc gia để hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn trước mắt và sự phát triển bền vững trong dài hạn. Nội dung nghiên cứu tập trung đánh giá tình hình thực thi pháp luật, chính sách dự trữ quốc gia và khuyến nghị chính sách đổi mới dự trữ quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
2. Tình hình và những vấn đề cần đổi mới dự trữ quốc gia
Hoạt động dự trữ quốc gia ở nước ta đã diễn ra từ lâu và luôn gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước, nhưng phải đến năm 2013, Việt Nam mới có văn bản pháp luật đầu tiên quy định hoạt động này tại Luật dự trữ quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/07/2013 với 6 chương 66 Điều, quy định chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia; Danh mục hàng dự trữ quốc gia và phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia; xuất hàng dự trữ quốc gia khi thanh lý, loại khỏi Danh mục hàng dự trữ quốc gia …Nhà nước ta cũng đã ban hành các chính sách quan trọng nhằm quản lý dự trữ quốc gia như Nghị định 94/2013/NĐ-CP ngày 21/08/2013 quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia, Nghị định này thay thế Nghị định số 196/2004/ NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2004 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh dự trữ quốc gia, Quyết định 2091 QĐ-TTg, Quyết định 94/QĐ-TTg ngày 17/01/2011…
Luật dự trữ quốc gia 2013 trở thành tiền đề quan trọng, là căn cứ pháp lý chủ yếu để quản lý và điều tiết các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia
Tuy nhiên, với hệ thống khuôn khổ pháp lý về dự trữ quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới khi mà nền kinh tế nước nhà đã gần 35 năm đổi mới làm cho thế và lực của nước ta được nâng lên nhiều và đặc biệt là do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch tả lợn Châu Phi, đại dịch Covid-19. Tính đến 9h02 ngày 10/08/2020 số ca nhiễm trên toàn thế giới tại hơn 213 nước và vùng lãnh thổ đã lên trên 20 triệu người và trên 733,9 nghìn người tử vong (WHO, 2020), theo các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới thiệt hại tới 8,8 nghìn tỷ USD (ADB, 2020), thiệt hại đối với vận tải hàng không quốc tế khoảng 84 tỷ USD năm 2020 và phải mất nhiều năm mới trở lại hoạt động bình thường như năm 2018-2019…làm cho các quốc gia phải định hình lại chính sách, cơ cấu lại nền kinh tế, định hình lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới,…do đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về vai trò, sứ mệnh và quản lý nhà nước đối với dự trữ quốc gia trong phát triển hệ thống logistics theo hướng bền vững. Hơn nữa, hệ thống văn bản, chính sách về dự trữ quốc gia vẫn chưa hoàn thiện; tổng mức dự trữ quốc gia vẫn còn ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc xuất cấp hàng hóa; Danh mục và công tác quản lý danh mục hàng dự trữ quốc gia còn bất cập, chưa được rà soát, cập nhật kịp thời…; Quản lý hoạt động nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia cùng hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật trong quản lý hàng dự trữ quốc gia chưa hoàn thiện; kết cấu hạ tầng dự trữ quốc gia thiếu đồng bộ, còn yếu kém ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả các hoạt động từ tổ chức quản lý, điều hành và nhập xuất sử dụng dự trữ quốc gia; các thủ tục liên quan đến hoạt động dự trữ quốc gia (như thủ tục, trách nhiệm pháp lý đấu thầu mua bán, đổi mới…) còn nhiều bất cập….
Trong khi đó, hệ thống kho dự trữ quốc gia của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia hiện nay vẫn còn phân tán, không theo quy hoạch thống nhất trên quan điểm logistics và lại xuống cấp, phương pháp bảo quản hạn chế. Đa số hệ thống kho được xây dựng cách đây hơn 30 năm, Công nghệ bảo quản lạc hậu, thô sơ, trong khi đó điều kiện khí hậu diễn biến bất thường ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản hàng dự trữ (An Nhi, 2019)… Những bất cập, tồn tại trên là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan từ nhận thức về vai trò, sứ mệnh của dự trữ quốc gia như là một công cụ của Nhà nước can thiệp vào thị trường trong hệ thống logistics chưa đầy đủ; bối cảnh kinh tế nước nhà sau gần 35 năm đổi mới đang bước vào thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với đó là kinh tế thế giới đầy biến động, đại dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, xu hướng dân túy và bảo hộ gia tăng …và sự tác động ngày càng sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho hoạt động dự trữ quốc gia trong hệ thống logistics phát triển chưa tương xứng và chưa theo kịp sự phát triển mới.
Trong bối cảnh mới, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu, sứ mệnh đặt ra cho dự trữ quốc gia và khắc phục những bất cập, tồn tại phải đặt dự trữ quốc gia trong hệ thống logisticss nước nhà, cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, sứ mệnh, công cụ dự trữ quốc gia trong nền kinh tế và hệ thống logistics. Là dự trữ vật tư, hàng hóa do Nhà nước quản lý, nắm giữ, Dự trữ quốc gia là dạng đặc biệt của dự trữ được Nhà nước hình thành và sử dụng dự nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh nhưng trong bối cảnh mới do biến đổi khí hậu và hậu đại dịch Covid-19 đòi hỏi phải có nhận thức mới, toàn diện hơn về công cụ dự trữ quốc gia… Việc nâng cao nhận thức công cụ dự trữ quốc gia của đội ngũ cán bộ quản lý các ngành, các cấp, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia sẽ là cơ sở, môi trường để dự trữ quốc gia phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thực hiện hiệu quả chức năng, sứ mệnh kép của mình trong hệ thống logistics quốc gia vừa nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách… phục vụ quốc phòng, an ninh theo yêu cầu “JIT” với chi phí thấp nhất, vừa làm tròn công cụ quan trọng của nhà nước can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Nhưng hình như do nhận thức và xuất phát từ các quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia chưa thật đầy đủ mà trong một thời gian dài với nhiều biến động, nhất là do dịch tả lợn Châu Phi và đại dịch Covid -19, lực lượng dự trữ quốc gia chưa phát huy hết vai trò của mình và dường như dự trữ quốc gia còn mờ nhạt, thậm chí còn để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng tại Tổng cục dự trữ nhà nước (Sông Trà, 2020).
Thứ hai, trong bối cảnh mới, Luật dự trữ quốc gia có hiệu lực từ ngày 01/07/2013 và đã sau 07 năm triển khai thực hiện đã đến lúc cần có sự nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp, đặc biệt là xác định bổ sung mục tiêu của dự trữ quốc gia, chính sách của nhà nước, danh mục hàng dự trữ quốc gia, quản lý nhà nước và các cơ quan quản lý, phân công lại quản lý hàng dự trữ, quản lý, điều hành dự trữ quốc gia và vấn đề mua, bán hàng dự trữ, dự trữ quốc gia trong hệ thống logistics cùng với hệ thống pháp luật liên quan mật thiết cần phải điều chỉnh như Luật Thương mại, Luật Đấu thầu…để dự trữ quốc gia thực sự thực hiện hiệu quả mục tiêu và sứ mệnh của mình.
Thứ ba, cùng với việc nghiên cứu bổ sung Luật dự trữ quốc gia 2013, cần phải rà soát để sửa đổi và bổ sung kịp thời các chính sách dự trữ quốc gia từ danh mục hàng dự trữ, nâng tổng mức dự trữ hiện vật và giá trị, phân công lại bộ ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đến hoạt động điều hành dự trữ quốc gia và sớm xây dựng chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có sự tích hợp với các chiến lược phát triển thương mại, logistics, giao thông vận tải và CNTT, thay thế cho Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia theo Quết định số 2091/QĐ-TTg, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả đồng thời chức năng kép là chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách … và là một trong những công cụ quan trọng của Nhà nước can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Cần phải nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả của các văn bản pháp luật về dự trữ quốc gia, không để tình trạng khi các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực triển khai đấu thầu mua 190.000 tấn gạo theo QĐ số 05/QĐ-TTg thì chỉ ký được 7.700 tấn gạo, số còn lại trên 182 nghìn tấn của 24/28 doanh nghiệp “xù” (Tâm Đức, 2020) trúng thầu gạo dự trữ quốc gia mà không ai chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội gì.
Thứ tư, Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 đã xác định 5 nhóm mặt hàng, gồm: Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; Nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; Nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp; Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng. Trong bối cảnh mới, xuất phát từ tình hình trong nước và quốc tế hậu đại dịch Covid19, biến đổi khí hậu và thị trường luôn vận động khó định …cần thiết phải rà soát và bổ sung danh mục trên cho phù hợp, đặc biệt là nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội, bình ổn thị trường. Không để cách điều hành thị trường chỉ dựa vào giơ tay-tái đàn-ngồi chờ-thay thế là chưa đủ mà làm mất niềm tin đối với việc bình ổn thị trường thịt lợn như thời gian vừa qua.
Thứ năm, quá trình đổi mới nền kinh tế sau gần 35 năm đã làm cho thế và lực của Việt Nam tăng lên nhiều và trong bối cảnh kinh tế mới, hậu Covid19 đang đặt ra nhiều vấn đề đối với chính sách của nhà nước về dự trữ quốc gia cần phải điều chỉnh, đổi mới để dự trữ quốc gia luôn là công cụ quản lý hiệu quả của Nhà nước và không thể để “dư địa” sơ hở cho một ai có thể móc ngoặc trục lợi từ các nguồn lực dự trữ quốc gia. Ngoài việc khuyến khích các địa phương, thành phố sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để có các phương án mua hàng dự trữ, chủ động đáp ứng yêu cầu tại chỗ đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Nhà nước cần tăng thêm quy mô dự trữ quốc gia so với GDP cao hơn, linh hoạt hơn, so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia hiện nay, lên mức 2,0% – 2,5% GDP từ năm 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Không để khi thời cơ đến, như trường hợp giá dầu tại Mỹ ngày 20/04/2020 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục âm 37,63 USD/thùng giữa lúc thị trường tiếp tục biến động do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu do đại dịch Covid-19, các nước trên thế giới mua cả hàng trăm triệu thùng nhằm bổ sung vào kho dự trữ chiến lược quốc gia., trong khi chúng ta lại còn tranh luận, cân nhắc do thiếu bể chứa và ngân sách…, mà thực tế dự trữ quốc gia mới chỉ đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu 10 ngày sử dụng (500.000 m3) (Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia, 2012) và 700.000 tấn dầu thô mà thôi.
Thứ sáu, thực tế hệ thống kho dự trữ quốc gia được xây dựng cách đây hàng chục năm, công nghệ bảo quản lạc hậu, thô sơ, trong khi đó điều kiện nhiệt độ, thời tiết và khí hậu diễn biến bất thường ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản hàng dự trữ…do vậy cần có các cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia trong phát triển kết cấu hạ tầng logistics Việt Nam để kết nối hệ thống kho dự trữ nhà nước tại 10 Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia trên 08 vùng chiến lược kinh tế – xã hội của cả nước trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, đa dạng hóa các hình thức thuê ngoài cơ sở vật chất theo công nghệ logistics, công nghệ bảo quản, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đặc thù phục vụ cho hoạt động dự trữ quốc gia…Tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kho, phương tiện kỹ thuật đồng bộ, tiên tiến, ứng dụng và đón đầu các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia và huy động được các nguồn lực như hệ thống kho tàng bến bãi, bồn chứa thuê ngoài, kết nối giao thông vận tải, cùng các trang thiết bị bảo quản trong logistics dự trữ quốc gia để giảm tối đa chi phí cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần điều chỉnh và bổ sung “Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ nhà nước đến năm 2020” theo Quyết định 94/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 01 năm 2011, đồng thời cần tích hợp với các quy hoạch phát triển các trung tâm logistics và hệ thống cảng cạn hiện nay ở nước ta nhằm tối ưu hóa đầu tư phát triển hệ thống kho dự trữ nhà nước trên cả nước với hệ thống kho thuê ngoài. Hiện đại hóa trang thiết bị, lắp đặt hệ thống giám sát hiệu quả; sử dụng phần mềm quản lý kho dự trữ nhà nước để quản lý thống nhất, đảm bảo an toàn hệ thống kho. Cần tránh tình trạng vào đúng thời điểm chống dịch Covid-19 lại xảy ra hiện tượng trục lợi để cho các cá nhân, tổ chức gửi gạo trong kho dự trữ của Nhà nước (4 tháng đầu năm 2020), mà chính trong số 24 doanh nghiệp “xù” từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo đã trúng thầu đó có cả những doanh nghiệp lại gửi gạo nhờ kho Nhà nước? Có phải đây là dấu hiệu của sự móc ngoặc để đầu cơ, trục lợi từ chính sách nhà nước trong thời kỳ chống dịch Covid-19 tại Tổng cục dự trữ nhà nước mà Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện?
Thứ bảy, cùng với những tiến bộ không ngừng về khoa học công nghệ và thành quả cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật – cơ sở của quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia từ khâu vận chuyển, nhập xuất, bảo quản và hao hụt hàng dự trữ quốc gia cần phải thường xuyên rà soát, đổi mới và hoàn thiện nhằm làm cơ sở khoa học cho việc quản lý hiệu quả hàng dự trữ quốc gia; kiểm tra quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng , quản lý hiệu quả quá trình cấp phát sử dụng để ngăn chặn triệt để thất thoát, lảng phí, tham nhũng trong tất cả các hoạt động dự trữ quốc gia. Thứ tám, phải đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin chuyên ngành dự trữ quốc gia. Cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ chính quyền địa phương cơ sở vật chất, kho tàng, công nghệ bảo quản để dự trữ hàng mua từ nguồn ngân sách địa phương sử dụng cho mục tiêu dự trữ quốc gia tại chỗ, cần có chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin ngành dự trữ quốc gia. Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin dự trữ quốc gia bao gồm cả phần cứng và phần mềm, cần có hệ thống phần mềm quản lý dự trữ quốc gia và với từng lĩnh vực hoạt động dự trữ cùng mạng lưới thông tin kết nối phục vụ điều hành dự trữ quốc gia, trao đổi dữ liệu điện tử trong hệ thống, xây dựng hạ tầng số của ngành… Khi hệ thống thông tin kết nối liên thông sẽ giúp các đơn vị trong ngành minh bạch hóa hoạt động, nhanh chóng cập nhật các phương tiện, hàng hóa được vận chuyển giữa các bên liên quan, kịp thời triển khai các dịch vụ tổ chức xếp dỡ và giao hàng cũng như giải phóng phương tiện vận chuyển, từ đó hạn chế tối đa các chi phí phát sinh cũng như các chi phí không chính thức khác trong mua bán hàng dự trữ quốc gia, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí từ bảo quản, do phải đấu thầu lại, móc ngoặc, đầu cơ, trục lợi chính sách mỗi khi có các cú sốc từ biến động thị trường và dịch bệnh, thiên tai…
Thứ chín, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp với những kiến thức sâu rộng về công nghệ logistics và hệ thống logistics cho hoạt động dự trữ quốc gia là một nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia cần được tăng cường. Tiếp tục kiện toàn và tổ chức khoa học bộ máy quản lý, hệ thống tổ chức dự trữ quốc gia, đảm bảo sự điều hành tập trung thống nhất, hiệu quả của Nhà nước và các Bộ, ngành theo đúng chức năng, lĩnh vực và nhiệm vụ mà các ngành đảm nhiệm trong nền kinh tế quốc dân là một đòi hỏi cấp bách hiện nay. Nguyên tắc quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia có quy định hàng dự trữ quốc gia phải được quản lý chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật tại điều 7 Luật Dự trữ quốc gia nhưng để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động dự trữ quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu, sứ mệnh kép dự trữ quốc gia, tránh thất thoát, lãng phí, trục lợi chính sách cần phải tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ thanh tra chuyên ngành mà cả thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, đề cao hơn nữa trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, đặc biệt là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Phối hợp và phân công quản lý rõ ràng giữa các các Bộ, địa phương, đặc biệt là giữa Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn… về lĩnh vực này trong triển khai, thực hiện và bổ sung vào Luật và Chiến lược dự trữ quốc gia là điều rất cần thiết hiện nay. Trong nền kinh tế thị trường, dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia là một trong những công cụ quan trọng giúp cho Chính phủ can thiệp vào thị trường khi cần thiết và chủ động đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách…, Bộ Công Thương – làm chức năng quản lý nhà nước về phân phối và lưu thông hàng hóa dịch vụ trên thị trường càng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình cung ứng. Trong bổi cảnh mới, cần thiết phải tái cơ cấu lại tổ chức hệ thống Tổng cục dự trữ nhà nước theo hướng mô hình quản lý như Quyết định 997/QĐ-TTg để tổ chức lại hệ thống hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn và hệ thống Tổng cục dự trữ nhà nước phải thuộc Ủy Ban nhà nước về logistics tương lai.
BÀN VỀ CHÍNH SÁCH DỰ TRỮ QUỐC GIA CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY Đặng Đình Đào; Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Email: daothuongmai@yahoo.com Nguyễn Thị Diệu Chi; Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Email: chintd@neu.edu.vn Tóm tắt: Dự trữ quốc gia là bộ phận dự trữ đặc biệt của dự trữ hàng hóa trong hệ thống logistics . Trong bối cảnh mới, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, đại dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi .., dự trữ quốc gia – công cụ quản lý càng có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, củng cố và phát huy thành quả phát triển kinh tế - xã hội, bình ổn thị trường khi có biến động xảy ra. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả đánh giá một số tình hình về thực thi pháp luật, chính sách dự trữ quốc gia của Việt Nam và khuyến nghị chính sách đổi mới dự trữ quốc gia nhằm góp phần thực hiện hiệu quả, hiệu lực công cụ quản lý của nhà nước trong bối cảnh hiện nay . Từ khóa: Dự trữ, dự trữ quốc gia, chính sách dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ, hệ thống logisics, Covid-19 Policy proposal for Vietnam national reserve in the present context Abstract: National reserves is a special part of stockpiling goods in the logistics system. In the case of climate change, natural disaster, African swine fever and Covid -19 pandemic, national reserves is considered as a management tool to maintain, consolidate and promote the result of socio- economic development, to stabilize the volatile market. Within the scope of this article, we presented the opinion about current national reserves policy to contribute to the implementation of state management tools in an effective way. Keywords: National reserves, national reserve policy, list of goods for reserves, logistics system,websinhvien.com/wp-content/uploads/2020/11/Chính sách dự trữ quốc gia và hệ thống logisics hiện nay.jpg"
https://websinhvien.com/tai-lieu-tham-khao/