Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế |
Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế
Một cách tiếp cận về vấn đề
Lạm phát và thất nghiệp luôn là những “người bạn” đồng hành của nền kinh tế thị trường, với cả những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Ở Việt Nam, cùng với những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế thì những mặt trái của sự tăng trưởng kinh tế đã bộc lộ, mà tình trạng lạm phát phi mã là một trường hợp điển hình. Nguy cơ của tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam đã được cảnh báo từ đầu năm 2007, đến cuối năm 2007 lạm phát phi mã đã thực sự là nỗi ám ảnh của nền kinh tế, tình trạng này trở nên tồi tệ hơn trong bốn tháng đầu năm 2008 khi chỉ số giá đã đạt gần mức tăng của cả năm 2007 (11,6 %). Chống lạm phát đã trở thành mục tiêu số một của Chính phủ và toàn dân, trong đó có vai trò của các nhà khoa học. Chưa bao giờ, trên diễn đàn khoa học từ các tạp chí chuyên ngành đến các số báo hàng ngày, các cuộc tranh luận về lạm phát và chống lạm phát của các nhà khoa học đã diễn ra rất sôi nổi với cả những quan điểm đồng thuận và trái ngược nhau, thậm chí đã có những ý kiến tranh luận gay gắt. Tuy nhiên, việc nhận diện các nguyên nhân dẫn đến lạm phát, đến nay các chuyên gia kinh tế đều đã thống nhất, đó là các nguyên nhân:
- Lạm phát do cầu – kéo (lạm phát do cầu)
- Lạm phát do chi phí – đẩy (lạm phát do cung)
- Các nguyên nhân lạm phát do điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ .
- Các nguyên nhân do biến động của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những biến động về giá dầu mỏ và tỷ giá ngọai tệ.
- Các nguyên nhân từ yếu tố tâm lý v…
Việc nhận diện các nguyên nhân của lạm phát là hết sức cần thiết, bởi vì chi có thể đưa ra các liều thuốc “ đặc trị “ khi tìm hiểu đúng nguyên nhân dẫn đến căn bệnh lạm phát.
Bài viết này chúng tôi tiếp cận vấn đề lạm phát và các biện pháp khắc phục lạm phát ở Việt Nam dưới khía cạnh đầu tư và hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế. Bởi vì xét đến cùng lạm phát có nguyên nhân sâu xa từ hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
LẠM PHÁT Ở VIỆT NAM NHÌN DƯỚI GÓC ĐỘ HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ
Có ý kiến cho rằng: “Khi nói tới lạm phát, mọi người vẫn hay nhắc tới yếu tố tiền tệ, mà xem nhẹ vấn đề đầu tư, trong đó có đầu tư công. Theo tôi, yếu tố này chiếm tới 30% nguyên nhân gây ra lạm phát; yếu tố tiền tệ chiếm 40% và 30% còn lại do giá nguyên vật liệu thế giới”.6 Để lượng hóa các yếu tố tham gia vào tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế như nhận định ở trên là rất khó kiểm chứng, tuy nhiên ý kiến này là rất hợp lý về mặt quan điểm. Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm trong nước (GDP). Có thể nói, tỷ lệ vốn đầu tư /GDP của Việt Nam đã đạt được ở mức cao so với các nước.
Hình 1: Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP(%)
Nguồn: Kinh tế Việt Nam và thế giới 2007-2008
Năm 2007, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã đạt 461,9 nghìn tỷ đồng, tương đương với 28 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay, nếu xét về tỷ lệ đầu tư /GDP thì chỉ thấp hơn Trung Quốc ( 40,4% so với 44%).
Đáng chú ý là trong năm 2007, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã đạt mức kỷ lục là 20,3 tỷ USD (vượt ngoài dự kiến), trong đó vốn đăng ký mới là 17,86 tỷ USD. Thêm vào đó lượng vốn ODA cũng đạt kỷ lục với mức cam kết đạt 4,46 tỷ USD (đã giải ngân khoảng 2,0 tỷ USD), lượng kiều hối về nước đạt khoảng 7,5 tỷ USD, nguồn vốn đầu tư gián tiếp qua kênh thị trường chứng khoán từ 4,5-5,0 tỷ USD. Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam lại “dồi dào” đến mức “bội thực” ngoại tệ như năm 2007. Những tháng đầu năm 2008, mặc dù nền kinh tế Việt Nam rơi vào lạm phát phi mã, song lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam van tiếp tục tăng lên, trung bình mỗi tháng đã thu hút trên 1,2 tỷ USD. Sự gia tăng của vốn FDI là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2008. Tuy nhiên, năm 2007 cũng là năm lạm phát phi mã xuất hiện ở Việt Nam, qua bốn tháng đầu năm 2008, lạm phát đã đạt 2 con số. Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp kiên quyết chống lạm phát từ phía Chính phủ, song tỷ lệ lạm phát vẫn gia tăng ở mức cao, và có nguy cơ tăng cao hơn nếu không có những giải pháp khắc phục có hiệu quả. Phân tích nguyên nhân lạm phát cao dưới góc độ hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, theo chúng tôi cần xem xét các khía cạnh sau: Thứ nhất, về cơ cấu đầu tư: Trong tong số vốn đầu tư 461,9 nghìn tỷ đồng năm 2007, thì đầu tư của khu vực Nhà nước đã chiếm 200 nghìn tỷ, tức 43,3% tổng vốn đầu tư, trong khi khu vực này chỉ đóng góp 37,0% GDP. Cũng cần phải thấy rằng gắn liền với khu vực kinh tế Nhà nước là sự hiện hữu của những yếu kém trong quản lý và hiệu quả kinh tế. – Tình trạng đầu tư theo phong trào diễn ra khá phổ biến tại các địa phương, không những dẫn đến kém hiệu quả mà còn gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.
- Nhiều dự án đầu tư của Nhà nước thiếu đồng bộ, kéo dài thời gian thi công, chi phí gia tăng do giá vật liệu và chi phí giải phóng mặt bằng tăng… dẫn đến tình trạng nợ đọng vốn. Theo tác giả Đào Ngọc 7, chỉ số nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đến đầu năm 2004 đã là 11 nghìn tỷ đồng ( ngân sách Trung ương phải bỏ ra trên 600 tỷ đồng để trả), nhưng đến đầu năm 2005, số nợ đọng đó đã lên đến 13 nghìn tỷ đồng và hiện nay còn cao hơn.
- Khu vực đầu tư công cũng gắn liền với tình trạng tham nhũng, đục khoét và thất thoát vốn đầu tư rất lớn. Theo các chuyên gia, tỷ lệ này ước tính khoảng 30% trong vốn đầu tư. Nếu dự đoán này là chính xác thì số tiền thất thoát, lãng phí trong đầu tư công năm 2007 lên tới 60 nghìn tỷ đồng.6
- Những nỗ lực trong việc giảm bớt đầu tư ở khu vực công là rất khó khăn, mặc dù đã có những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ tư đầu năm Điển hình như ở TP. Hồ Chí Minh, do “giá vật liệu xây dựng cao, nơi nào cũng kêu không điều chỉnh giá thì nhà thầu sẽ…”bỏ của chạy lấy người”, nhiều công trình tổ chức đấu thầu nhiều lần vẫn không chọn đươc thầu vì giá cả leo thang… Và đến hết quý 1/2008 toàn Tp.HCM chỉ mới giải ngân được 10% của vốn ứng đợt 1. Nhưng khi UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị tự cắt giảm một số dự án kém hiệu quả, chưa (hoặc chậm) triển khai để bù vốn thực hiện các dự án còn lại thì nơi nào cũng muốn “ôm” không muốn “cắt” (Sài Gòn Giải Phóng, 02.05.2008). Kết quả là bốn tháng đầu năm 2008, TP.HCM chỉ cắt được 1% dự án đầu tư công!
Thứ hai, xem xét sự đóng góp của các yếu tố đầu vào tăng trưởng kinh tế, cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng theo chiều rộng, sự gia tăng GDP nhờ lượng nhiều hơn chất. Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù có những chuyển biến tích cực song thời kỳ 1998-2007, trong các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thì vốn đầu tư đã chiếm tới 57,5%, lao động 20%, trong khi yếu tố TFP chỉ chiếm 22,5%.
Đóng góp của vốn
Hình 2: Tỷ lệ đóng góp của các yếu tố đầu vào trong tốc độ tăng trưởng kinh tế (%)
Nguồn: Kinh tế Việt Nam và thế giới 2007-2008
Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) Đóng góp của lao động Như vậy yếu tố lao động và vốn đầu tư chiếm tới 77,5% tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam. Với một nền kinh tế thâm dụng vốn đầu tư, cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là về lượng, tăng trưởng theo chiều rộng và phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, do chi phí đầu tư cao và phụ thuộc vào những biến động giá cả từ bên ngoài.
Thứ ba, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế còn phản ánh rõ nét trong chỉ tiêu năng suất lao động xã hội. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, các chỉ tiêu về năng suất lao động xã hội của Việt Nam tuy có những chuyển biến tích cực, song nhìn chung vẫn còn ở mức độ rất thấp của thế giới. Bảng 1: Năng suất lao động năm 2006 – 2007 (1.000đ/người)
Năm 2006 | Năm 2007 | |
1. Toàn nền kinh tế | 22.419,0 | 25.886,0 |
2. Nông, lâm nghiệp, thủy sản | 8.219,0 | 9.607,0 |
3. Công nghiệp, xây dựng | 48.734,0 | 55.072,0 |
4. Dịch vụ | 33.808,0 | 38.159,0 |
Năm 2007, năng suất lao động trung bình xã hội của Việt Nam đạt 25.886,0 nghìn đồng/người, tương đương 1.618 USD; trong đó ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản chỉ đạt 9.607 nghìn đồng tương đương 600USD, ngành công nghiệp và xây dựng đạt 55.072 nghìn đồng/người, tương đương 3.438 USD, và khu vực dịch vụ đạt 38.159 nghìn /người, » 2.385 USD. Con số này thấp hơn nhiều so với năng suất lao động bình quân của thế giới là 14.600 USD/người, và mức thu nhập bình quân đầu người của thế giới là 6.500 USD.7 Một nền kinh tế có năng suất lao động xã hội thấp, dẫn đến thu nhập thấp (năm 2007: 835USD/ người), cũng là sức ép làm tăng cung tiền tệ, gây ra áp lực tăng giá.
Thứ tư, chỉ tiêu tổng hợp phản ánh rõ nhất hiệu quả đầu tư của nền kinh tế là hệ số gia tăng vốn – đầu ra (ICOR). Các số liệu thống kê cho thấy, cùng với tốc độ tăng trưởng khá cao thời kỳ 1998-2007, thì hệ số ICOR của Việt Nam cũng tăng nhanh so với giai đoạn trước 1991-1997 ( là 2,6) và cao hơn mức trung bình của các nước trong khu vực ( thường từ 3,0 – 4,0).
Bảng 2: Hệ số ICOR của Việt Nam (1998-2007).
Năm | Đầu tư (%GDP) | Tăng trưởng GDP(%) | ICOR |
1998 | 32,4 | 5,76 | 5,6 |
1999 | 32,8 | 4,77 | 6,9 |
2000 | 34,2 | 6,80 | 5,0 |
2001 | 35,4 | 6,90 | 5,1 |
2002 | 37,4 | 7,08 | 5,3 |
2003 | 39,0 | 7,34 | 5,3 |
2004 | 40,7 | 7,79 | 5,2 |
2005 | 40,9 | 8,44 | 4,8 |
2006 | 41,0 | 8,17 | 5,0 |
2007 | 40,4 | 8,48 | 4,8 |
1998-2007 | 39,1 | 7,62 | 5,1 |
Nguồn: Số liệu thống kê và tính toán của tác giả Cũng có ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua đang tăng trưởng với tốc độ khá cao, nhu cầu vốn đầu tư ngày càng lớn, do vậy hệ số ICOR cao là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên cũng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu so sánh với các nước trong khu vực, cũng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao song hệ số ICOR của họ thấp hơn Việt Nam nhiều. Điều đó chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn ở Việt Nam hiện nay vẫn kém hiệu quả so với các nước trong khu vực. Bảng 3: Hệ số ICOR của Việt Nam so với các nước trong khu vực
Nước | Giai đoạn | Đầu tư (%GDP) | Tăng trưởng GDP(%) | ICOR |
Hàn Quốc | 1961-1980 | 23,3 | 7,9 | 3,0 |
1981-1990 | 29,6 | 9,2 | 3,2 | |
Đài Loan | 1961-1980 | 26,2 | 9,7 | 2,7 |
1981-1990 | 21,9 | 8,0 | 2,7 | |
Indonesia | 1981-1995 | 25,7 | 6,9 | 3,7 |
Malaysia | 1981-1995 | 32,9 | 7,2 | 4,6 |
Thái Lan | 1981-1995 | 33,3 | 8,1 | 4,1 |
Nhật Bản | 1961-1970 | 32,6 | 10,2 | 3,2 |
Trung Quốc | 2001-2006 | 38,8 | 9,7 | 4,0 |
Việt Nam | 1998-2007 | 39,1 | 7,62 | 5,1 |
Nguồn:- Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright
Bảng số liệu ở trên cho thấy, tỷ lệ đầu tư /GDP của Việt Nam thời kỳ 1998-2007 cao hơn so với các nước trong khu vực, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân chỉ đạt 7,62%/năm, so với Hàn Quốc 9,2%(1981-1990), Đài Loan 8,0% (1981-1990), Thái Lan 8,1% (1981-1995), và Trung Quốc 9,7% (2001-2006). Hệ số ICOR của Việt Nam thời kỳ 1998-2007 là 5,1; tức là để tăng được 1% GDP, thì cần tăng tới 5,1% vốn đầu tư mới. Đây là con số lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo các chuyện gia kinh tế, hệ số ICOR càng cao thì nền kinh tế càng có những biểu hiện đầu tư kém hiệu quả, phát triển thiếu bền vững. Đầu tư cao mà hiệu quả kém, cũng có nghĩa là phải đưa nhiều tiền vào lưu thông, trong khi hiệu quả sinh lời thấp, giá trị đồng tiền giảm sút. Đó là nguyên nhân sâu sa dẫn đến lạm phát. Do nền kinh tế đầu tư cao nhưng chưa thực sự hiệu quả, cùng với những biến động về gia cả năng lượng, nguyên liệu của thị trường thế giới; khả năng dự báo và điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ còn có mặt hạn chế và do những khó khăn về nguồn cung trong nền kinh tế, đã dẫn đến tình trạng lạm phát hai con số ở nước ta trong năm 2007 và những tháng đầu năm 2008. Trong các nguyên nhân này, theo chúng tôi khía cạnh hiệu quả đầu tư là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng lạm phát cao ở nước ta hiện nayª (Còn tiếp : Xem tiếp thêm)
Bài cùng danh mục:
Nghiên cứu Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của nông dân_ wsv 2021
Các nhân tố phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ
Chi phí phúc lợi là gì? Lạm phát xu hướng thay đổi tại Việt Nam 2021
Tác động của Môi trường kinh doanh đến Đổi mới sản phẩm của Doanh nghiệp vừa và nhỏ P.1
Vai trò vốn xã hội, tiếp cận tín dụng và SMEs
Quan hệ giữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tăng trưởng kinh tế
Latest posts
Thi Công chức Thuế – Tài liệu ôn tập môn thuế chuyên ngành vòng 2
20 Bài đề Mẫu – Tiếng Anh Ôn Công Chức Thuế – Tiếng Anh Thầy Cucku
Các nhân tố ảnh hưởng tới mức học phí giáo dục _ wsv.2021
Các yếu tố ảnh hưởng quyết định lựa chọn dịch vụ chăm sóc sau sinh
Nghiên cứu Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của nông dân_ wsv 2021
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa _ 2021